Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 5 : Kinh hỷ


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

Bùi Đắc Tuyên vừa phất tay ra hiệu cho đám người lui tán đi hết, phía trước mặt hắn liền xuất hiện một thân hình gầy gò mặc trang phục thái giám, không ai khác gã chính là quan nội thị Vũ Tâm Can, chỉ thấy gã chầm chậm bước tới trước mặt Bùi Đắc Tuyên, thần sắc tỏ ra hết sức nghiêm trọng: -Thái sư không nhận thấy dạo gần đây thái độ của bệ hạ đã có nhiều thay đổi ư? Bùi Đắc Tuyên hơi ngẫm nghĩ một chút rồi nói: -Đúng là có chút thay đổi, bệ hạ đã ít ham chơi hơn, nghe nói còn thường xuyên nhốt mình ở trong thư phòng đọc sách nhưng như thế thì có sao chứ? Hắn chẳng qua là tính tình trẻ con hay thay đổi thất thường, được vài ba bữa rồi sẽ trở lại như cũ mà thôi. Vũ Tâm Can chợt thở dài: -Thái sư ngài sai rồi, theo tôi thấy bệ hạ đã dần dần trưởng thành, đã có chính kiến của mình, rồi sẽ có ngày bệ hạ muốn tự thân nhiếp chánh không còn nghe lời Thái sư nữa! Bùi Đắc Tuyên nghe y nói xong chợt cười lên ha hả như là nghe được chuyện gì tức cười lắm: -Chỉ bằng vào một đứa trẻ con như nó ư? Ông quá cả nghĩ rồi đó. Vũ Tâm Can vẫn lắc đầu mà nói: -Thái sư thử nghĩ mà xem, hôm nay trên buổi chầu sớm, cớ sao bệ hạ lại kiếm cớ trì hoãn việc Trần Quang Diệu xin lãnh binh đi đánh Diên Khánh, còn vụ án của Lê Văn Hưng kéo dài đến nay cớ sao còn chưa kết thúc? Trước giờ chỉ cần Thái sư lên tiếng thì bệ hạ có bao giờ từ chối việc gì đâu, hơn nữa ở trong cung dạo này bệ hạ còn thường xuyên lui tới thăm viếng Bùi Thái Hậu, hai người trò chuyện rất là vui vẻ. Thái sư nên nhớ rằng "rồng thì sinh ra rồng, khi rồng ẩn mình thì như vực sâu tĩnh lặng, khi rồng bay lên trời thì gió mây vần vũ." Bùi Đắc Tuyên tuy là một kẻ bất tài, tiểu nhân đắc chí nhưng hắn không ngốc, nghe Vũ Tâm Can phân tích xong, hắn như nắm bắt được điều gì đó, thái độ đột nhiên trở nên nghiêm túc hơn hẳn, hắn đứng dậy đi tới đi lui trong phòng, lộ vẻ suy tư: -Nếu đúng như lời ông nói, kế hoạch của chúng ta cần phải tiến hành nhanh hơn nữa mới được! Vũ Tâm Can gật đầu hoàn toàn đồng ý, y nói thêm: -Hiện nay ở trong triều hầu như đã không còn người nào dám công khai chống lại Thái sư chính vì vậy người mà chúng ta e ngại nhất bây giờ chỉ còn lại có Đại đô đốc Vũ Văn Dũng đang nắm binh quyền trấn giữ Bắc Hà. Bùi Đắc Tuyên lại hỏi: -Như muốn trừ Vũ Văn Dũng thì phải làm sao? Vũ Tâm Can mỉm cười nham hiểm: -Vậy phải xem Thái sư có gan hay không, tôi có một kế này, chỉ cần Thái sư trộm lấy ấn tín của vua giả truyền chiếu chỉ triệu Vũ Văn Dũng về kinh lại cho Ngô Văn Sở ra thay thế trấn giữ Bắc Hà, đợi đến khi Vũ Văn Dũng vào kinh thì cho người bắt lấy gán tội giết đi. Bùi Đắc Tuyên vui mừng nói: -Kế ấy thật hay, chỉ là Ngô Văn Sở hiện đang nắm giữ Hữu Vệ Quân phòng thủ phía Nam kinh thành, nếu y đi rồi thì lấy ai thay thế? Vũ Tâm Can lại ngẫm nghĩ một chút rồi đáp: -Nguyễn Văn Huấn là người văn võ song toàn lại là thân tín của Trần Quang Diệu có thể lãnh trọng trách này có điều lần này Thái sư phải hết sức ủng hộ Trần Quang Diệu, bằng mọi cách phải khiến cho bệ hạ đồng ý cho Trần Quang Diệu cùng Bùi Thị Xuân thống lãnh mười vạn quân rời kinh đi đánh Diên Khánh. Bùi Đắc Tuyên gật đầu nói: -Được rồi, vậy cứ theo kế của ông mà hành sự, để tránh đêm dài lắm mộng ngay ngày mai ta sẽ vào cung gặp Bùi Thái Hậu để nhờ nàng thuyết phục Cảnh Thịnh. Kế hoạch đã định ra, Vũ Tâm Can liền cáo lui, lúc y xoay người, khóe miệng không tự chủ được mà cười nhếch môi. Thái sư Bùi Đắc Tuyên nhìn theo bóng lưng khuất dần của y, hai mắt không khỏi híp lại, nơi đáy mắt vậy mà xẹt qua một tia sát ý mỏng manh như tơ. Cánh cổng thành nặng nề phía bắc kinh đô chậm chạp được kéo lên, khi cánh cổng được hoàn toàn kéo lên hết thì một đoàn ba chiếc xe ngựa với hơn chục gã kỵ binh hộ vệ vội vàng chạy ra ngoài, đoàn xe hướng về phía trấn Mỹ Xuyên mà đi. Trần Văn Kỷ hất màn xe lên, ngoái đầu nhìn lại kinh đô Phú Xuân đứng sừng sững ở phía sau lưng đang dần dần chìm vào ánh nắng chiều muộn mà trong lòng không khỏi cảm thấy thê lương tịch mịch, nét mặt đậm vẻ sầu lo, y nhìn vào tờ công văn mới bổ nhiệm của Bộ Lại đang cầm trên tay mà thở dài một tiếng: -Tiên đế a...tội thần đã phụ lòng ngài! Kể từ khi Quang Trung hoàng đế băng hà, ấu chúa Cảnh Thịnh lên ngôi vì trẻ người non dạ mà để cho cậu là Bùi Đức Tuyên lợi dụng dần dần thâu tóm quyền hành, Trần Văn Kỷ là quan phụ chính đại thần nhiều lần can ngăn nhưng mà một thân một mình cũng đành bất lực, chỉ có thể đau lòng nhìn thấy từng cựu thần lần lượt bị kẻ gian hãm hại mà dần dần rơi rớt. Trần Văn Kỷ phải công nhận một điều rằng Bùi Đắc Tuyên mặc dù chỉ là một kẻ tài mọn nhưng mà hắn rất biết dựa thế, biết lợi dụng tính tình lãnh đạm không tranh với đời cùng sự tin tưởng của Bùi Thái Hậu, biết lợi dụng tình thân với Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu mà tạo thế cho riềng mình, nhớ đến Trần Quang Diệu, Trần Văn Kỷ không khỏi tức giận đến nghiến răng nghiến lợi, kể ra y cũng là một trong hai phụ chính đại thần được tiên đế tin tưởng giao phó cho trọng trách phò trợ ấu chúa ấy thế mà y không những nhu nhược cả nể người thân đáng hận hơn nữa là y còn có thể bo bo giữ mình nhẫn tâm trơ mắt nhìn từng đồng đội từng một thời vào sinh ra tử bị Bùi Đắc Tuyên hãm hại. Trần Văn Kỷ thầm nghĩ nếu như không có sự dung túng của Trần Quang Diệu thì một kẻ tiểu nhân như Bùi Đắc Tuyên sao lại có gan nhảy nhót. -Ta quyết không thể để cho tình trạng này tiếp diễn được nữa, nếu không nhà Tây Sơn chẳng mấy chốc sẽ sụp đổ! Trần Văn Kỷ âm thầm suy nghĩ, nắm chặt tay như hạ xuống quyết tâm nào đó, ánh mắt hắn hơi lộ vẻ dữ dội, đúng lúc này chợt có tiếng nói từ gã hộ vệ ở bên cạnh truyền đến bên tai: -Bẩm ông lớn, tại ngôi đình phía trước kia đang có một đám người tụ tập, không biết tính làm gì, ông lớn tính thế nào ạ? Trần Văn Kỷ theo tiếng nói của hộ vệ trông lại phía trước, liền thấy trong đám người đứng trong ngôi đình ấy có rất nhiều bóng dáng quen thuộc, dẫn đầu không ai khác chính là Thái úy Phạm Công Hưng cùng Đại đô đốc Tả Vệ Quân Võ Đình Tú. Phạm Công Hưng thấy xe ngựa từ từ đi đến liền thay mặt đám người tiến lên nói: -Trung thư lệnh xin dừng bước, anh em chúng tôi bày tiệc đưa tiễn đợi ngài đã lâu! Trần Văn Kỷ vừa mới bước xuống xe, nghe thấy Phạm Công Hưng nói như vậy thì vội vàng chắp tay: -Thái úy xin đừng gọi tôi là Trung thư lệnh nữa, ngày nay Kỷ tôi chỉ là một tội thần bị giáng chức mà thôi, các vị đồng liêu Kỷ tôi xin có lễ! Phạm Công Hưng cùng với mọi người chắp tay đáp lễ sau đó mời Trần Văn Kỷ cùng ngồi vào bàn tiệc, rượu nồng vừa quá ba ly chợt thấy Đại đô đốc Võ Đình Tú bất ngờ thở dài: -Ngày nay gian thần lộng quyền, trung thần điêu linh, lòng người tản mát, vận nước thật nguy lắm thay, chẳng biết Trung thư lệnh có kế nào vực dậy triều chính hay không? Các quan nghe Đại đô đốc Võ Đình Tú nói vậy đều dõi ánh mắt trông mong về phía Trần Văn Kỷ. Trần Văn Kỷ thấy mọi người bi quan như vậy cũng không đành lòng, sau một khoảng thời gian suy tư khá lâu liền nói: -Trước khi tiên đế băng hà đã giao trách nhiệm phò trợ ấu chúa cho tôi cùng Trần Quang Diệu, nếu là Trần Quang Diệu cùng tôi đồng lòng hợp sức thì chưa chắc Bùi Đắc Tuyên có thể đắc thế như ngày nay, chỉ tiếc y là một kẻ tài giỏi nhưng lại cả nể và bo bo giữ mình phụ sự ủy thác của tiên đế, thật là đáng tiếc đáng giận thay. Trần Văn Kỷ tạm ngừng một chút lại tiếp tục: -Ngày nay gian thần lộng quyền ở trong triều đình đã ít có người dám đứng lên chống lại, nếu như chúng ta không có hành động nào mạnh mẽ hạ bệ Bùi Đắc Tuyên thì sẽ khiến xã tắc lâm nguy. Mọi người đều gật đầu đồng ý, có người đứng ra hỏi: -Làm cách nào mới có thể diệt trừ y? Trần Văn Kỷ vuốt râu: -Hiện tại người có thể đối đầu với Bùi Đắc Tuyên chỉ có Đại đô đốc Vũ Văn Dũng đang trấn giữ Bắc Hà, tôi sẽ đích thân đến gặp và nói chuyện với Đô đốc Dũng, thuyết phục ngài điều binh về kinh, khi đó mọi người lại đồng lòng đứng lên hưởng ứng tạo thành thế "trong ứng ngoài hợp" ắt có thể trừ được Bùi Đắc Tuyên, trọng chỉnh triều cương. Mọi người nghe vậy thì cả mừng, vội vàng đứng lên chắp tay đồng thanh nói: -Như thế mọi sự đều nhờ Trung thư lệnh vậy! Chỉ nghe Trần Văn Kỷ thở dài: -Điều binh về kinh là chuyện bất đắc dĩ, tôi chỉ e cho dù có trừ được Trần Văn Kỷ thì lòng người cũng đã tản mát mất rồi! Đám người vừa mới vui mừng xong lại nghe Trần Văn Kỷ nói như vậy, ai nấy đều lâm vào trầm tư, trong bất giác mọi người đều nhớ đến thời oanh liệt khi xưa, thuở còn theo Quang Trung đánh nam dẹp bắc, khi ấy ai ai cũng là bậc hào kiệt phấn chấn quên mình vì đất nước. Buổi tiệc chia tay cuối cùng cũng kết thúc, Trần Văn Kỷ lại tiếp tục lên đường trước sự đưa tiễn của mọi người. Đoàn người phóng đi vội vã mãi cho đến khi trời tối thì cũng đến được dịch trạm dừng chân. Đêm khuya, một vầng trăng sáng trên cao, Trần Văn Kỷ một mình lững thửng đi dạo trong sân vắng, trong lòng còn mãi lo lắng việc nước nên không thể nào ngủ được, đột nhiên y dừng bước, đôi mắt mở to tràn đầy kinh ngạc, bởi vì đứng trước mặt y lúc này là một khuôn mặt vô cùng quen thuộc: -Lê Văn Hưng! Trần Văn Kỷ kinh hỷ thốt lên.